[Sức Khỏe] Lupus Ban Đỏ - Căn Bệnh Ám Ảnh Với Người Trẻ

Nam N. Phung
Đăng ngày 03/06/2020
1,320 Lượt xem
Người yêu thích
Thêm vào yêu thích


Bạn đã nghe nói về căn bệnh "lupus ban đỏ" chưa? Đây là một bệnh dễ xảy ra trong độ tuổi từ 15 đến 40, và chủ yếu là nữ. Bệnh nhân nam cũng mắc phải nhưng với số lượng ít hơn, tỷ lệ mắc phải của nữ so với nam hiện tại là 9:1.

Đặc điểm của bệnh lupus ban đỏ là nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, não, tim và phổi. Do đó, bệnh sẽ có các triệu chứng tương tự và lặp đi lặp lại giống như các bệnh khác, vì vậy sẽ không dễ chẩn đoán. Căn bệnh này thậm chí còn được gọi là "kẻ bắt chước vĩ đại".

Một bác sĩ chuyên về bệnh lupus ban đỏ cho biết: "Tôi vừa khám cho 20 bệnh nhân với các triệu chứng, biểu hiện và tiến triển bệnh khác nhau. Một số bệnh nhân có triệu chứng khẩn cấp, một số đang dần xuất hiện. Một số có triệu chứng trở nên rất nghiêm trọng ngay khi vừa mắc bệnh, và một số người chỉ bị nhẹ trong nhiều năm phát bệnh. Một số bệnh nhân chỉ có triệu chứng tạm thời và một số có triệu chứng liên tục. Hầu như rất khó tìm thấy hai bệnh nhân có cùng một tình trạng".

Bệnh nhân lupus ban đỏ có thể có các triệu chứng sau:

Rất mệt mỏi, khó phục hồi sinh lực, mức độ mệt mỏi sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy uể oải trong sinh hoạt hằng ngày và công việc

● Sốt trên 38.3 độ nhưng không có lý do.

● Đau khớp, sưng, căng cứng hoặc đau cơ

● Đốm đỏ hình cánh bướm trên sống mũi đến hai bên xương gò má

● Nhạy cảm với ánh sáng, da trở nên xấu hơn sau khi phơi nắng

Đầu ngón tay và ngón chân chuyển sang màu xanh tím hoặc trắng nhợt nhạt khi lạnh hoặc căng thẳng

● Thở gấp

● Đau ngực khi hít thở sâu

 Loét miệng hoặc mũi

● Đau đầu

● Rụng tóc không rõ nguyên nhân, có thể là ở một khu vực nhất định của da đầu, hoặc toàn bộ tóc trở nên mỏng hơn.


Cơ chế bệnh sinh thực sự của bệnh lupus ban đỏ vẫn chưa rõ ràng, nhưng hầu hết các nhà khoa học tin rằng đây là một "bệnh tự miễn" tạo nên bởi sự kết hợp của các thay đổi do di truyền, môi trường và nội tiết tố.

Nói một cách đơn giản, hệ thống miễn dịch của chúng ta được sử dụng để bảo vệ cơ thể khi gặp các vật lạ bằng tạo ra các kháng thể thích hợp. Tuy nhiên, bệnh tự miễn có nghĩa là một kháng thể được tạo ra trong cơ thể, nhưng kháng thể này lại không được sử dụng để chống lại vi khuẩn, vi rút hoặc các chất lạ bên ngoài, và kháng thể này sẽ tấn công các cơ quan của chính cơ thể. Điều này giống như một quân đoàn được tạo ra để bảo vệ đất nước, nhưng đột nhiên biến thành quân nổi loạn. Những kháng thể này có thể xâm chiếm các cơ quan khác nhau, gây viêm nặng và tổn thương mô, dẫn đến nhiều thiệt hại cho sức khỏe.

Bệnh nhân có thể bị phát bệnh do các kích thích bởi căng thẳng, ánh sáng mặt trời, thuốc hoặc một số bệnh nhiễm trùng, hoặc họ có thể do di truyền, nhiễm trùng, thuốc vv. Tình trạng của bệnh lupus ban đỏ rất không ổn định, lúc tốt lúc xấu và không phải tất cả bệnh nhân sẽ bị phát ban đặc trưng hình cánh bướm trên khuôn mặt. Vì vậy khi mắc bệnh lần đầu không bảo đảm sẽ tìm ra được nguyên nhân, và cũng không thể chuẩn bệnh dựa vào một xét nghiệm đơn giản.


Các nhà miễn dịch thấp khớp hiện có thể chuẩn đoán bệnh dựa trên hướng dẫn. Bệnh nhân được chuẩn đoán bị bệnh nếu có 4 tình trạng trở lên trong 11 triệu chứng tiêu chuẩn. 4 triệu chứng này không cần phải xuất hiện cùng một lúc, nhưng có thể xuất hiện tuần tự trong quá trình phát bệnh:

Đốm đỏ hình cánh bướm trên mặt

● Ban đỏ

● Nhạy cảm với ánh sáng

● Loét miệng

● Viêm khớp

● Viêm màng phổi hoặc màng ngoài tim

● Bệnh thận (protein niệu, tiểu máu)

● Bệnh thần kinh (động kinh, điên loạn)

● Bệnh về máu (giảm số lượng tế bào máu)

● Bệnh miễn dịch (xét nghiệm một số kháng thể trong máu)

● Kháng thể kháng nhân (xét nghiệm máu để kiểm tra sự hiện diện của kháng thể kháng nhân)

Như đã đề cập trước đó, lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn, và một trong những kháng thể được biết đến nhiều nhất của cơ thể là kháng thể kháng nhân (ANA). Nhưng mọi người cũng nên chú ý rằng mặc dù kháng thể kháng nhân là một chỉ tiêu quan trong khi xét nghiệm, nhưng không thể dựa vào đây để khẳng định trực tiếp rằng đây là lupus ban đỏ, nó có thể đến từ các bệnh khác.


Selena Gomez, ca sĩ nhạc pop người Mỹ, được chẩn đoán mắc bệnh lupus ban đỏ ở tuổi 23 (2015) vì đau khớp, phát ban da, lo lắng, hoảng loạn và các vấn đề về thận. Năm 2017, Selena 25 tuổi và được ghép thận sống vì bệnh thận nặng do lupus ban đỏ. Có thể thấy rằng mức độ của bệnh lupus ban đỏ ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể lan rộng đến các phần khác nhau của cơ thể. Tiếp theo, chúng ta hãy xem bệnh lupus ban đỏ ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau như thế nào:

Khớp 

Đau khớp, cơ và sưng đỏ có thể là biểu hiện đầu tiên khi bệnh lupus ban đỏ xâm lấn cơ thể. Chứng cứng và đau khớp do lupus ban đỏ rõ ràng hơn vào buổi sáng. Tuy nhiên triệu chứng sẽ không gây tổn thương vĩnh viễn cho cơ thể, không đến mức làm bệnh nhân bị tê liệt.

 Thận 

Khoảng 50% bệnh nhân bị lupus ban đỏ bị thận tấn công bởi các kháng thể tự miễn, nhưng điều này khác với sự xâm lấn khớp nêu trên, khoảng 10% đến 30% bệnh nhân sẽ bị biến chứng thành suy thận. Do đó, các vấn đề về thận là một nguyên nhân phổ biến gây tử vong bởi lupus ban đỏ. Tuy nhiên, khi thận mới bị xâm lấn, các triệu chứng sẽ không rõ ràng. Một số người có các triệu chứng như sưng chân, buồn nôn, đau ngực và ngứa khắp nơi. Tuy nhiên, một số bệnh nhân chỉ phát hiện bị bệnh khi tìm thấy protein niệu và máu niệu sau khi xét nghiệm nước tiểu.

● Não 

Sau khi kháng thể tấn công não, bệnh nhân thường bị đau đầu. Ngoài ra, họ cũng có thể bị chóng mặt, thay đổi hành vi, ảo giác, đột quỵ, động kinh và các vấn đề về trí nhớ.

● Mạch máu

Kháng thể tấn công các mạch máu sẽ khiến các mạch máu bị viêm, làm giảm số lượng tế bào máu và tăng khả năng cục nghẽn hoặc chảy máu, và nhiều triệu chứng khác. Khi số lượng hồng cầu giảm có thể gây ra mệt mỏi. Nếu số lượng bạch cầu giảm sẽ tăng khả năng bị nhiễm trùng. Khi số lượng tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu và máu bầm tăng lên. Sự hiện diện của một số kháng thể tự miễn sẽ làm tăng cục nghẽn, do đó bệnh nhân sẽ có khả năng nghẽn tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi và đột quỵ não. Những triệu chứng này có thể đến nhanh chóng và khẩn cấp, vì vậy tốt nhất là bệnh nhân bị lupus ban đỏ nên đi xét nghiệm máu thường xuyên.

●  Phổi và tim 

Kháng thể có thể gây viêm màng phổi và màng ngoài tim, và bệnh nhân có thể cảm thấy đau ngực khi thở. Ngoài ra, các cơ và mạch máu của tim cũng dễ bị viêm, ảnh hưởng đến lưu thông máu và làm tăng đáng kể nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.

Khi thảo luận về cách điều trị, trước tiên cần phải xem xét mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và vị trí tấn công của kháng thể. Nếu triệu chứng nhẹ, thuốc làm giảm viêm có thể được sử dụng. Nếu nghiêm trọng, hệ thống miễn dịch của cơ thể nên được ức chế để giảm số lượng kháng thể. Steroid, quinine, thuốc hóa trị, ức chế miễn dịch là các thuốc thường được sử dụng.

●Steroid

Khi đối phó với phát ban do lupus ban đỏ, các bác sĩ thường khuyên bạn nên bôi thuốc mỡ steroid trước. Khi các cơ quan khác của cơ thể bị tấn công bởi các kháng thể tự miễn, thuốc steroid dạnh uống hoặc thuốc tiêm với liều cao hơn có thể làm giảm phản ứng viêm nội tạng.

● Quinin

Quinine là một loại thuốc cũ được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét và cũng được sử dụng trong khoa thấp khớp và miễn dịch học. Nó có thể kiểm soát các vấn đề về da và khớp của bệnh lupus ban đỏ và đôi khi ngăn ngừa sự tái phát của bệnh lupus ban đỏ.

●  Thuốc hóa trị 

Thuốc hóa trị ban đầu được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư. Sau khi hóa trị, chúng sẽ ức chế hệ thống miễn dịch một cách hiệu quả, nhưng chúng cũng sẽ mang lại nhiều tác dụng phụ. Do đó, thuốc hóa trị chủ yếu được sử dụng ở những bệnh nhân bị lupus ban đỏ xâm lấn nghiêm trọng đến thận và não.

● Thuốc ức chế miễn dịch 

Các chất ức chế miễn dịch ban đầu được sử dụng để làm giảm hiệu quả thải ghép sau khi ghép tạng. Chúng cũng có thể được sử dụng để điều trị bệnh lupus ban đỏ nặng và làm giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể.


Tuy nhiên, y học hiện đại vẫn không thể chữa khỏi bệnh lupus ban đỏ. Ngoài việc hợp tác với điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cũng nên tham khảo các phương pháp sau để cải thiện chất lượng cuộc sống. Mặc dù không có cách chữa trị, nhiều bệnh nhân lupus ban đỏ vẫn có thể có một cuộc sống tích cực.

● Đi khám bác sĩ thường xuyên, có thêm kiến thức về bệnh của chính mình và thiết lập mối quan hệ tốt với bác sĩ.

● Cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ, một số bệnh nhân thậm chí cần ngủ đủ 8-12 giờ mỗi ngày.

● Chống nắng và bảo vệ da, cố gắng không đi ra ngoài vào buổi trưa, và bảo vệ mắt và da của bạn bằng kính râm và bôi kem chống nắng để giảm kích ứng.

● Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục có nhiều lợi ích, có thể cải thiện tâm trạng và chất lượng xương, ngăn ngừa mất cơ bắp.

● Bỏ thuốc lá: Thuốc lá sẽ ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ và thuốc lá cũng không tốt cho bất kỳ cơ quan nào.

● Ăn uống lành mạnh, không ăn quá nhiều, nhưng ăn bổ dưỡng và cân bằng.

● Nếu bạn cảm thấy mình bị nóng, bạn nên chú ý đến nhiệt độ cơ thể và tìm nguyên nhân gây sốt để xem là do bị nhiễm trùng hay do bệnh lupus ban đỏ tái phát.

Có thể bạn muốn hỏi, Selena Gomez đã ghép thận ở độ tuổi trẻ như vậy. Liệu lupus ban đỏ của cô ấy có tiếp tục xâm lấn đến quả thận mới được ghép hay không?

Điều này không phải là không thể, nhưng hơn 90% trường hợp lupus ban đỏ sẽ không xảy ra hiện tượng này. Ngay cả những bệnh nhân bị lupus ban đỏ sau khi được ghép thận và điều trị ức chế miễn dịch cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng khác như sưng khớp. Nhưng bây giờ, ngoài bệnh lupus ban đỏ, Selena cũng cần chú ý đến nhiều thứ khác. Ví dụ, sau khi được ghép thận, sáu tháng đầu là thời kỳ thải ghép cao nhất và bệnh nhân rất dễ bị nhiễm trùng sau khi bắt đầu điều trị ức chế miễn dịch, thậm chí có thể tăng nguy cơ bị ung thư. Do đó vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua!


[Nguồn bài viết: Running Biji]